Vùng giáp ranh giữa Thủ Đức (TP.HCM) và hai huyện Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) có gần chục khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) như: KCN Sóng Thần, Bình Đường, KCX Linh Trung 1, 2...
Thợ... mổ cò
Khi chúng tôi bước vào căn phòng chưa đến 40m2 của một tiệm Internet thuộc khu phố Thống Nhất, thị trấn Dĩ An, cạnh KCN Đồng An (Bình Dương), hai hàng máy chạy dọc không còn một chỗ trống. Khoảng 30 khách hàng trẻ đang cặm cụi gõ. Hơn nửa số máy có hai bạn trẻ cùng dán mắt vào một màn hình.
Hầu hết màn hình các máy đều là những ô cửa sổ chat. Khác với nhiều nơi, các chatter (người chat) nơi đây hầu như chỉ “mổ cò”, không hiếm bạn “mổ” theo kiểu “nhất dương chỉ” (dùng một ngón duy nhất).
Cạnh chúng tôi là một anh chàng có nickname Anhtimem vừa gắn phone vào tai vừa ngồi thu chân lên ghế và ngón trỏ của tay phải cứ dò dò trên bàn phím “mổ” từng mẫu tự để ghép lại với nhau. Còn cô bạn có nickname Hoamuoigio có vẻ khá vất vả khi “hoàn thành tốt đẹp” câu trả lời “Em cung rat vui khi duoc lam quen với anh”. Cô bạn đi cùng ngồi cạnh buột miệng: “Vô webcam xem thằng cha đó đẹp giai không đi”.
Sửa chiếc máy quay chĩa thẳng vào mặt mình, Hoamuoigio hỏi: “Anh co webcam khong?”, tích tắc sau trên màn hình hiện lên một anh chàng chừng 27 tuổi. Cô gái tiếp tục hỏi: “Anh lam o dau?”. “Anh lam o khu cong nghiep Dong An”. "The thi minh o gan nhau roi"...
Ở một góc phòng, hai chị em Hoa, Hồng quê ở Thái Bình đang chat với người em trai học lớp 10. Hoa cho biết: “Hằng tuần chị em mình hẹn nhau ra Internet để nói chuyện cho bớt nhớ nhà. Ngày mới vào tụi mình còn viết thư chứ bây giờ có Internet cũng hay lắm, vừa nhanh lại vừa thấy được mặt của người nói chuyện”. Chính vì đã hẹn hò theo lịch vào tối thứ bảy hằng tuần nên Hoa và Hồng phải tranh thủ đến tiệm Internet thật sớm mới có máy.
Vào một tiệm Internet cà phê khác còn nhốn nháo hơn vì chủ tiệm đã tiết kiệm diện tích mặt bằng nên làm thêm gác lửng để đặt máy. Kẻ ngồi người đứng lố nhố làm anh chủ tiệm mướt mồ hôi vì khách hàng cứ “ới” nhờ hướng dẫn liên hồi. “Anh ơi làm hộ em cái tên để em chat với” - cô gái nói giọng miền Trung nhờ vả chủ tiệm.
“Hồi mới mở tiệm tôi không có thời gian nói chuyện với cô thế này đâu. Hầu hết không biết cầm con chuột thế nào chứ nói gì đến gõ chữ. Hết giúp người này tạo nick lại phải hướng dẫn người khác cách vào chat” - anh Quân, chủ tiệm Internet, cho biết. Vừa dứt câu, đã có người khách ngồi số máy 28 “ới” Quân đến giúp để vào một trang web kết bạn bốn phương.
Chủ yếu là “chat chit”
Không giống những phố Internet trên đường Trần Quang Khải, Sư Vạn Hạnh... toàn những xe đời mới đậu trước cửa, phòng máy lạnh, ở các khu phố Internet dành cho công nhân này chỉ dựng toàn xe đạp. Không một phòng Internet máy lạnh, cũng chẳng có phòng VIP và may mắn là ít có khách hàng vào những trang web “đen” vì đa số “đâu có biết địa chỉ quếp quếc gì mà vào. Mới biết chat thôi à” - bạn Trần Văn Hùng, công nhân Công ty Yazaki EDS VN, thành thật bảo.
“Hầu như khách vào đây đều sử dụng dịch vụ chat hoặc nghe nhạc chứ không thấy ai tìm kiếm thông tin hay đọc báo trên mạng đâu” - chị Nguyễn Thị Hằng, chủ tiệm Internet ngay KCX Linh Trung (Thủ Đức), nói.
Chiều chủ nhật 3-4-2005 phòng máy của chị Hằng chật cứng và đó không phải cá biệt vì hầu hết công suất của các phòng máy Internet xung quanh khu “đô thị công nhân” này đều quá tải vào buổi tối và những ngày cuối tuần, không đủ đáp ứng cho hàng chục ngàn công nhân.
Tiệm Internet với 30 máy trên đường trước KCN Đồng An vừa treo bảng khai trương ngày 31-3-2005, ngay tối đó đã chật cứng khách. Một chủ tiệm mới - dì Tư (ấp Tân Long, Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương) - vừa chuyển 10 chiếc máy vi tính cho trẻ em chơi game sang nối mạng cho công nhân thuê. “Phải có nhiều máy mới có lời vì công nhân chỉ thuê mỗi ngày mấy tiếng buổi tối thôi” - dì Tư tính toán.
Một điều thú vị, theo ghi nhận của chúng tôi, là hầu hết các bạn vào chat đều được học vỡ lòng tin học từ... chủ tiệm Internet! Và các bạn cũng chưa biết cách vào các địa chỉ trang web hay để giải trí, thu thập thông tin để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Trong khi đó chương trình phổ cập tin học cho thanh niên của Đoàn vẫn chưa "phủ sóng” những phố Internet này, đối tượng thụ hưởng đề án hiện vẫn chưa thấy các bạn trẻ công nhân.
Home » cong nghe thong tin Viet Nam » Phố Internet "nhất dương chỉ"
Phố Internet "nhất dương chỉ"
Người đăng: yeu mai em on Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét