Tấn công phần mềm lậu

Người đăng: yeu mai em on Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

VN hiện nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ phần mềm bị "xài chùa" ở mức rất cao, khoảng 85%. Kết quả thanh tra một số doanh nghiệp mới đây tiếp tục cảnh báo tình trạng vi phạm này

Từ đầu năm 2010 đến nay, Đoàn Thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra 13 doanh nghiệp (DN), trong đó có 5 DN trong lĩnh vực xây dựng và hàng chục cửa hàng bán đĩa phần mềm, máy tính tại TPHCM, qua đó phát hiện nhiều vụ vi phạm trắng trợn.

"Soi" đâu, dính đó


Thanh tra tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 (trụ sở trên đường Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1 - TPHCM) mới đây, đoàn phát hiện số lượng lớn phần mềm không có bản quyền được DN này sao chép, cài đặt để sử dụng như: AutoCAD, Adobe Acrobat Pro; LacViet MTD2002, Microsoft Office, Microsoft Windows XP.

Tiếp đó, "sờ gáy" hai công ty cùng ngành xây dựng là Công ty Cổ phần Phát triển Kiến trúc Xây dựng C.A.D (trụ sở trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 - TPHCM) và Công ty Cổ phần Phát triển nhà Daewon - Thủ Đức (tại ấp 3, khu đô thị mới An Phú, quận 2 - TPHCM), đoàn cũng phát hiện số lượng lớn máy tính sử dụng phần mềm lậu.


Đại diện 3 DN trên đã ký vào biên bản thanh tra và cam kết sẽ gỡ bỏ toàn bộ phần mềm vi phạm, đồng thời làm việc với chủ sở hữu để mua các phần mềm có bản quyền sau 5 ngày kể từ ngày lập biên bản. Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng ban hành quyết định xử phạt 3 DN trên theo Nghị định 47/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan...


Trước đó, vào trung tuần tháng 4-2010, lực lượng chức năng TPHCM lần đầu tiên tiến hành kiểm tra đột xuất hàng loạt cửa hàng bán đĩa phần mềm, máy tính trên đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Công Trứ và phát hiện một lượng lớn các CD sao chép phần mềm thông dụng của Microsoft và các phần mềm VN như Từ điển Lạc Việt, Vietkey, phần mềm chuyên dụng AutoCAD, Adobe trị giá hàng ngàn USD nhưng chỉ được bán từ 5.000 đồng - 20.000 đồng/đĩa phần mềm.


Ăn cắp tinh vi hơn


Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm nay đã bước sang năm thứ bảy, hầu hết các công ty kinh doanh máy tính hiện không còn công nhiên cài sẵn các phần mềm vào máy tính để bán cho khách hàng như trước đây.

Để qua mặt lực lượng chức năng, nhiều công ty chuyển sang các hình thức vi phạm tinh vi hơn như cung cấp đĩa sao chép phần mềm cho khách hàng hoặc đến tận nơi để cài đặt. Theo ông Thành, trong thời gian tới, tại TPHCM, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thanh - kiểm tra hàng loạt các cửa hàng bán đĩa sao chép phần mềm bất hợp pháp nhằm giảm tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm lên tới 85% tại VN.


Đáng chú ý là thời gian qua, chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm đã được gia tăng và mở rộng từ DN có vốn nước ngoài đến DN trong nước. Từ kết quả thanh tra cho thấy đại đa số DN vừa và nhỏ đều vi phạm vì họ thường cho rằng việc thanh tra chỉ thực hiện ở các DN lớn!

Sửa luật để tăng hiệu quả kiểm soát

Theo Thông tư liên tịch số 01/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" nếu xâm phạm với quy mô lớn, mục đích thương mại, hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự, nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm. Nghị định 47/CP cũng quy định hành vi vi phạm bản quyền phần mềm có thể áp dụng mức phạt tối đa tới 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc xử phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự các vi phạm là rất phức tạp và chưa được áp dụng phổ biến nên đã tạo ra tâm lý "lờn thuốc" ở nhiều DN và các cửa hàng sao chép đĩa lậu. Ông Vũ Xuân Thành kiến nghị sửa đổi Nghị 47/CP theo hướng có thêm nội dung: Nếu không xác định được mức độ thiệt hại thì xác định hành vi sao chép và nếu chủ sở hữu thừa nhận đó là hành vi sao chép thì đoàn thanh tra có thể tiến hành xử lý. Mặt khác, cần thành lập một trung tâm thẩm định giá để có được kết luận chính xác về mức độ thiệt hại.

Thế Dũng

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét